Bộ Xây dựng vừa đưa ra loạt giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1.062.200 căn nhà ở xã hội vào năm 2030; trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết, căn cơ hiện nay là cần phải sớm sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến quỹ đất cũng như huy động được nguồn lực xã hội hóa từ các doanh nghiệp và xác định giá bán, cho thuê…
Đề án nhà ở xã hội đang triển khai thế nào?
Đại diện Bộ Xây dựng cho biết theo đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030,” tổng số căn hộ nhà ở xã hội các địa phương hoàn thành đến năm 2030 khoảng 1.416.700 căn.
Riêng giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 571.200 căn; giai đoạn từ năm 2025-2030 hoàn thành khoảng 845.500 căn.
Tuy nhiên, sau khi tiếp thu các ý kiến của thành viên Chính phủ và tình hình thực tế, Bộ Xây dựng điều chỉnh mục tiêu phấn đấu năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn; trong đó giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634.000 căn.
Nguồn vốn thực hiện đề án trên (kế hoạch ban đầu lên tới 1.130.000 tỷ đồng) cũng giảm 280.500 tỷ đồng, tức chỉ còn 849.500 tỷ đồng.
Theo thống kê, tính đến ngày 9/3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Dù vậy, với 7.950.000 m2 sàn nhà ở xã hội đã xây, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng kết quả này mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp ở các đô thị hiện rất lớn.
Nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ trên là do thiếu quỹ đất để xây nhà ở xã hội; vướng mắc thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất để thu hút doanh nghiệp; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài. Một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.
Hỗ trợ vốn vay, học kinh nghiệm từ quốc tế
Nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nêu trên, đại diện Bộ Xây dựng cho biết cơ quan này đang được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014 để trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (vào tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (vào tháng 10/2023).
Trên tinh thần đó, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại một số nước trong khu vực (như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore…) để đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở nhằm giải quyết cơ bản các tồn tại, hạn chế về việc phân bổ quỹ đất.
Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đề xuất sửa đổi việc lựa chọn chủ đầu tư; xác định giá bán, cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội nhằm thúc đẩy hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, trung bình có cơ hội sở hữu nhà ở.
Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nhà ở, xây dựng cũng đề xuất các quy định, những chế tài thích hợp, đủ mạnh để xử lý những đơn vị chưa tuân thủ theo luật định; phối hợp với các địa phương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Về nguồn lực thực hiện, theo Bộ Xây dựng, việc phát triển nhà ở xã hội trong những năm tới sẽ hạn chế sử dụng nguồn lực nhà nước đồng thời tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa, có cơ chế ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội trong phạm vi đề án để bán, cho thuê, thuê mua.
Theo đó, để thúc đẩy đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng đã thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Về lãi suất, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Theo kế hoạch, sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng trên./.